Wednesday, August 05, 2015

CÁC TRƯỜNG HỢP ÁP DỤNG GÓI THẦU EPC - Phần 3



Nên áp dụng EPC khi nào?
EPC nên được áp dụng khi dự án có nhiều sự lựa chọn về biện pháp thi công, đặc biệt là công trình có công nghệ xây dựng tiên tiến, công nghệ thuộc bản quyền của nhà xây dựng. Khi đó, thiết kế của dự án phụ thuộc đáng kể vào từng biện pháp thi công. Việc tách khâu thiết kế với cung cấp hàng hóa và xây lắp đối với trường hợp này sẽ khiến chủ đầu tư khó xác định đâu là phương án tốt nhất. Mặt khác, trường hợp chủ đầu tư đã quyết định lựa chọn một thiết kế nhất định để đưa ra đấu thầu cũng không đảm bảo tính cạnh tranh bởi thiết kế đó đã có định hướng cho một loại công nghệ /biện pháp thi công nhất định. EPC phù hợp với các công trình lắp đặt hệ thống cơ khí, hệ thống điện mà việc thiết kế và sản xuất thiết bị không thể thực hiện tách rời. Đây là các công trình, hạng mục công trình đòi hỏi tính đồng bộ hóa cao.
Thực tế, nhiều công trình ngành điện, cơ khí khai khoáng của Việt Nam đã và đang được triển khai theo EPC. Ngoài ra, các chuyên gia còn khuyến cáo sử dụng EPC trong trường hợp chủ đầu tư không đủ năng lực quản lý dự án khi chia thành nhiều gói thầu có tính chất khác nhau hoặc trường hợp dự án có yêu cầu thực hiện theo tiến độ gấp rút mà không thể cho phép chờ thực hiện xong thiết kế mới bắt tay vào xây dựng.
Nhà máy nhiệt điện Phả Lại
Không nên áp dụng EPC khi nào?

Trong trường hợp chủ đầu tư không thể xác định được yêu cầu đối với công trình, các thông số chính của công trình về công suất, phương án kỹ thuật thì việc áp dụng EPC sẽ chỉ gây bất lợi. Không nên triển khai EPC khi thực tế dự án cho thấy nếu trao thầu theo hình thức EPC thì nhà thầu sẽ chịu rủi ro lớn (ví dụ: dự án/gói thầu có phần khối lượng công tác ngầm lớn mà nhà thầu lại không có điều kiện để thực hiện khảo sát trực tiếp tại hiện trường). Trường hợp này có thể xuất hiện tình huống quyền và nghĩa vụ của các bên không cân đối trong hợp đồng EPC, không đảm bảo tính khả thi của việc triển khai dự án.
Ngoài các yếu tố thuộc về điều kiện cụ thể của dự án và con người làm dự án kể trên, việc lựa chọn có thực hiện theo gói thầu EPC còn phụ thuộc vào bối cảnh chung, trong đó có hoạt động đầu tư xây dựng được thực hiện. Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đang tạo một “độ mở" hay một sự "linh hoạt" nhất định để các chủ đầu tư lựa chọn ghép phần nào, khâu nào vào với nhau. Hãy cùng nhìn lại hiện tượng áp dụng EPC ở nhiều gói thầu trong thời gian gần đây dẫn đến việc nhà thầu trong nước "đứng ngoài cuộc" đối với các dự án lớn. Nếu chỉ tìm cách đổ lỗi cho quy định của pháp luật thì chắc chắn có phần phiến diện. Chúng ta cần suy ngẫm về vai trò của chủ đầu tư - người được giao quyền sử dụng nguồn vốn nhà nước. Nếu có trách nhiệm với xã hội khi tiêu đồng tiền đó thì hoàn toàn có cách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia thực hiện các phần việc của dự án phù hợp với năng lực trong nước.
Nhiều nhà thầu Việt Nam đã vươn lên làm tổng thầu EPC nhiều công trình quan trọng của nước ta
Thực tế triển khai EPC  
Mỹ đã triển khai hình thức quản lý dự án đầu tư xây dựng theo cách tiếp cận thiết kế - xây dựng (DB - Design Build) từ những năm 1980. Nhật Bản nghiên cứu về EPC cũng trong khoảng thời gian này, sau đó đưa vào áp dụng từ khoảng năm 2001-2002. Trung Quốc cũng đã triển khai các hình thức cụ thể của DB từ đầu thế kỷ XXI. So với các nước này Việt Nam bắt đầu áp dụng EPC không muộn hơn. Năm 1996 - 1997 chúng ta bắt tay thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Phả lại 2 theo phương thức EPC, sử dụng vốn vay của Chính phủ Nhật Bản thông qua Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC). Các dự án Thủy điện Na Hang, Nhiệt điện Uông Bí mở rộng 1 lần lượt triển khai từ năm 2000, 2002. Hình thức quản lý đầu tư này đã phát huy tác dụng và dần chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng đầu tư xây dựng ở các nước. Vào thập niên 1980 và 1990 ở Mỹ, chỉ có khoảng 10% các dự án được áp dụng DB, đến nay con số này đã đạt khoảng 40%. Tại Trung Quốc, hiện DB chiếm 10% tổng số dự án và khoảng 5% trong tổng giá trị đầu tư xây dựng. Điều này cho thấy EPC không phải là "chìa khóa vạn năng" cho hoạt động quản lý đầu tư xây dựng và chắc chắn vẫn cần có sự thận trọng trong việc áp dụng hình thức này.


Source: Internet

No comments:

Post a Comment