Wednesday, August 05, 2015

TỔNG QUAN VỀ EPC – PHẦN CUỐI – ĐIỀU KIỆN TRÚNG GÓI THẦU EPC


Trong các bài viết trước, bạn đọc đã được giới thiệu các điểm chung nhất về EPC và khâu trọng yếu quyết định đến chất lượng một cuộc thầu. Bài viết này sẽ tiếp tục làm rõ sự "đắt- rẻ" mà một người làm đấu thầu chuyên nghiệp và chân chính phải nắm cho tường tận.

Theo quy định của Luật Đấu thầu, đối với hồ sơ dự thầu (HSDT) gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc EPC đã vượt qua bước đánh giá về mặt kỹ thuật thì căn cứ vào giá đánh giá để so sánh xếp hạng HSDT của các nhà thầu.


Theo đó, HSDT của nhà thầu có giá đánh giá thấp nhất được xếp thứ nhất và được đề nghị trúng thầu nếu giá dự thầu sau sửa lỗi và hiệu chỉnh sai lệch của nhà thầu đó không lớn hơn giá gói thầu trong kế hoạch đấu thầu hoặc dự toán được duyệt (Điều 38 về xét duyệt trúng thầu đối với đấu thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp và EPC). Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12 (khoản 1 Điều 2) nêu rõ "giá đánh giá là giá được xác định trên cùng một mặt bằng về các yếu tố kỹ thuật, tài chính, thương mại và được dùng để so sánh, xếp hạng HSDT đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu EPC. Giá đánh giá bao gồm giá dự thầu do nhà thầu đề xuất để thực hiện gói thầu sau khi đã sửa lỗi và hiệu chỉnh sai lệch, cộng với các chi phí cần thiết để vận hành, bảo dưỡng và các chi phí khác liên quan đến tiến độ, chất lượng, nguồn gốc của hàng hóa hoặc công trình thuộc gói thầu trong suốt thời gian sử dụng".

Như vậy giá dự thầu là giá do nhà thầu nêu trong đơn dự thầu thuộc HSDT, bao gồm toàn bộ chi phí cần thiết để thực hiện gói thầu. Còn việc bên mời thầu (BMT) xác định giá đánh giá đối với gói thầu EPC là nhằm chuyển đổi chi phí do các nhà thầu chào trong HSDT về cùng một mặt bằng: kỹ thuật, tài chính, thương mại và một số yếu tố khác trong cả thời gian vòng đời của dự án để xem xét, lựa chọn nhà thầu chào phương án mang lại hiệu quả hay “giá trị đồng tiền" cao nhất của cả vòng đời dự án. Do đó, cơ sở để xét duyệt nhà thầu trúng thầu là giá đánh giá thấp nhất, mà không phải là giá dự thầu do nhà thầu chào thấp nhất. Theo quy định của Nghị định 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 về hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng, đối với gói thầu mua sắm hàng hóa xây lắp tuỳ theo tính chất của từng gói thầu mà quy định các yếu tố về điều kiện kỹ thuật, tài chính và thương mại để xác định giá đánh giá cho phù hợp.

Xác định giá đánh giá là nội dung quan trọng trong quá trình lập HSMT – Hình minh họa

Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa có thể lựa chọn các yếu tố về kỹ thuật như: tiến độ thực hiện; công suất, hiệu suất của máy móc, thiết bị; mức tiêu hao điện năng, nguyên nhiên vật liệu; chi phí vận hành, duy tu, bảo dưỡng; tuổi thọ và các yếu tố kỹ thuật khác (khoản 3, Điều 25). Đối với gói thầu xây lắp có thể lựa chọn các yếu tố kỹ thuật như: tiến độ thực hiện; chi phí quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng, tuổi thọ công trình và các yếu tố kỹ thuật khác để đưa về một mặt bằng đánh giá. HSDT có giá đánh giá thấp nhất sẽ được xếp thứ nhất (khoản 3, Điều 26). Có thể thấy tùy theo đặc điểm của từng gói thầu mà có những cách thức quy đổi khác nhau về cùng một mặt bằng. Một trong những công việc khó khăn nhất trong việc quy đổi về cùng một mặt bằng là việc quy đổi nguồn gốc của hàng hóa do rất khó định lượng. Để hiểu rõ hơn về nội dung này, chúng ta hãy nghiên cứu một ví dụ sau đây: BMT X tổ chức đấu thầu gói thầu mua sắm hàng hóa M. Hồ sơ mời thầu (HSMT) do BMT phát hành có ghi việc xác định giá đánh giá theo công thức: B (i) = Giá trị thiết bị ( i ) trong gói thầu x K1. Trong đó quy định: nếu cùng là thiết bị sản xuất theo tiêu chuẩn Nhật Bản được sản xuất và lắp ráp tại Malaysia hoặc Thái Lan áp dụng mức K1=100% (tức hệ số K = 1), còn nếu được sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam thì áp dụng mức K1=300% (tức hệ số K = 3), như vậy, có nghĩa là đưa về cùng mặt bằng giá đánh giá thiết bị sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam cao gấp 3 lần so với thiết bị được lắp ráp tại Malaysia hoặc Thái Lan về mặt hệ số K1.

Vậy việc HSMT đưa công thức xác định giá đánh giá như trên có phù hợp không? Xin được trả lời ngay là không được và khi chủ đầu tự đưa ra công thức tính căn cứ vào xuất xứ của thiết bị thì cũng cần phải đưa ra được (giải thích, chứng minh) cơ sở kinh tế - kỹ thuật của công thức đó, tức là công thức đưa ra phải mang tính khoa học, khách quan. Căn cứ theo công thức tại tình huống nêu trên thì thấy rằng việc hàng hóa sản xuất tại Việt Nam phải chịu mức chi phí để đưa về cùng một mặt bằng cao gấp 3 lần so với hàng hóa cùng loại sản xuất tại Thái Lan hoặc Malaysia là bất hợp lý. Cách đưa ra hệ số như vậy là thiếu cơ sở tính toán khoa học, thiếu khách quan. Do vậy, việc quy đổi về cùng một mặt bằng về nguồn gốc của hàng hóa là một công việc khó đòi hỏi cá nhân lập HSMT phải có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và có “nghề” có bản lĩnh để đưa ra quy định khách quan, công bằng, tránh khiếu nại, kiến nghị từ nhà thầu hoặc của tổ chức, cá nhân liên quan. Cách làm hiệu quả nhất là các Bộ, ngành có liên quan cần thành lập một Hội đồng khoa học - kỹ thuật - kinh tế (tập hợp những chuyên gia giỏi, chuyên gia sâu về lĩnh vực máy móc thiết bị có liên quan) để nghiên cứu và đưa ra công thức tính toán, cũng như hệ số quy đổi phù hợp với từng loại thiết bị, công nghệ để áp dụng khi xác định giá đánh giá.

Làm được như vậy là góp phần vào việc lựa chọn được nhà thầu "xứng đáng đồng tiền bát gạo', góp phần tạo ra sự công khai, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Trong thực tế của công tác đấu thầu hiện nay, việc lựa chọn các yếu tố đề xác định giá đánh giá còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều chủ đầu tư BMT không đưa ra được các yếu tố đánh giá về một mặt bằng trong HSMT nên phải chấp nhận xếp hạng nhà thầu theo giá dự thầu sau khi đã sửa lỗi và hiệu chỉnh sai lệch. Chính vì cách làm này nên dẫn đến tình trạng nhiều gói thầu lựa chọn nhà thầu dựa chủ yếu vào giá dự thầu của nhà thầu. HSDT có giá dự thầu thấp nhất sẽ có nhiều khả năng trúng thầu. Cách làm này cũng thể hiện năng lực của các chủ đầu tư, BMT cũng như tư vấn lập HSMT còn hạn chế trong việc đề xuất các yếu tố đưa về một mặt bằng và không biết cách xác định chi phí của các yếu tố này ảnh hưởng tới hiệu quả của gói thầu.

Bên cạnh đó có những chủ đầu tư, BMT lại đưa vào HSMT một loạt các yếu tố để đưa về một mặt bằng đánh giá nhưng không đưa ra cách tính hoặc công thức tính các chi phí đưa về một mặt bằng trong HSMT. Trong những trường hợp này, khi đánh giá HSDT, BMT có thể tự lựa chọn xem yếu tố nào đưa về một mặt bằng và tính toán trên cơ sở thống nhất cách làm trong nội bộ Tổ chuyên gia đấu thầu hoặc BMT. Với cách làm này, có những yêu tố đưa về một mặt bằng đã quy định trong tiêu chuẩn đánh giá nhưng bị bỏ qua, không xem xét đến khi đánh giá hoặc chỉ lựa chọn các yếu tố đưa về một mặt bằng có lợi cho nhà thầu nào đó. Do cách quy định quá "cởi mở" như vậy trong HSMT và việc áp dụng tuỳ hứng của BMT, Tổ chuyên gia đấu thầu đã dẫn đến những trường hợp việc xác định giá đánh giá để nhằm loại bỏ các HSDT không được ưa thích, chứ không căn cứ vào HSMT và HSDT của nhà thầu một cách khách quan, công bằng. 

Topside Dự án Chim sáo – Chủ đầu tư Premeir Oil Vietnam Offshore – Một trong những công trình EPCI
Topside Dự án Chim sáo – Chủ đầu tư Premeir Oil Vietnam Offshore – Một trong những công trình EPCI

Qua phân tích nêu trên ta thấy việc qui đổi chi phí về cùng mặt bằng phải thể hiện những chi phí cụ thể căn cứ vào các điều kiện về mặt kỹ thuật có thể tính toán và lượng hóa kinh tế, kỹ thuật được (chẳng hạn như mức tiêu hao nhiên liệu khác nhau, tiêu hao phụ tùng thay thế khác nhau, thời gian sử dụng khác nhau...) như ví dụ 3 tại Phụ lục 2 Mẫu HSMT mua sắm hàng hóa ban hành kèm theo Thông tư số 05/2010/TT-BKH ngày 10/2/2010, không nên đưa ra một công thức thiếu căn cứ làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Việc hạn chế sự tham gia của nhà thầu là không phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu.

Xác định giá đánh giá là nội dung quan trọng trong quá trình lập HSMT. Công thức quy đổi về cùng một mặt bằng hợp lý sẽ giúp chủ đầu tư lựa chọn chính xác được nhà thầu trúng thầu đem lại hiệu quả cao nhất cho dự án. Vì vậy trong chuẩn bị HSMT, BMT cần nghiên cứu, xem xét đưa ra những yêu cầu phù hợp với tính chất của gói thầu. Đối với công việc khó khăn này, muốn thực hiện tốt công tác đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu, cần phải có các chuyên gia có chuyên môn sâu và hiểu rõ về gói thầu, có khả năng lựa chọn các yếu tố thích hợp để đưa về một mặt bằng, đồng thời phải đưa ra được cách tính những chi phí ảnh hưởng của các yếu tố này trong suốt vòng đời thực hiện dự án. Với yêu cầu này. các chuyên gia khi xây dựng HSMT, tiêu chuẩn đánh giá HSDT, rõ ràng cần phải có kiến thức chuyên ngành phù hợp với gói thầu, có chuyên môn sâu về gói thầu mới có thể thực hiện được.

Do đó, việc lựa chọn tư vấn không đủ năng lực để giúp chủ đầu tư xây dựng HSMT của nhiều dự án như hiện nay cần phải được xem xét cẩn thận, vì nó không thể đảm bảo có được một HSMT mà trong đó đưa ra đầy đủ, chính xác các yếu tố đưa về một mặt bằng đánh giá phù hợp, với điều kiện cụ thể của gói thầu. Mặc dù chủ đầu tư, BMT có thể sử dụng các mẫu HSMT đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành, khi xây dựng HSMT, nhưng không thể thiếu "bộ óc" của các chuyên gia tư vấn, của những người trực tiếp soạn thảo HSMT. Đó là nhân tố quyết định đảm bảo đưa các thông tin đầu vào chính xác trong HSMT, trong đó có các điều kiện cụ thể để xác định giá đánh giá, giúp cho việc lựa chọn nhà thầu được thuận lợi khách quan, công bằng và chính xác.


Source: Internet

No comments:

Post a Comment