Wednesday, August 05, 2015

Tổng quan về EPC - Những lợi thế và bất lợi của EPC - Phần 2



Về lợi thế

Thứ nhất: Chủ đầu tư giảm thiểu được công việc quản lý đối với dự án vì đã có một đầu mối thực hiện dự án. Nhà thầu EPC thực hiện luôn các công vụ điều phối, quản lý dự án thay chủ đầu tư. Trách nhiệm kết nối các khâu, các phần trong chuỗi công việc của dự án thuộc về nhà thầu EPC; kể cả việc tổ chức mua sắm, chế tạo và cung cấp thiết bị công nghệ đáp ứng yêu cầu và tiến độ thực hiện của hợp đồng, lựa chọn nhà thầu phụ (nếu có)... Với hình thức này nhà thầu được phát huy tính sáng tạo cũng như có cơ hội phát triển sâu hơn trong lĩnh vực ngành nghề của mình. Trong thời gian gần đây, nhằm xây dựng năng lực của các nhà thầu Việt Nam một số nhà thầu trong nước được chỉ định thực hiện gói thầu EPC quan trọng như Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) thực hiện dự án EPC Nhiệt điện Uông Bí mở rộng 1, Tổng công ty Sông Đà thực hiện dự án EPC Thủy điện Na Hang, Tuyên Quang.
Tổng quan về EPC - Những lợi thế và bất lợi của EPC - Phần 2
Nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng 1

Thứ hai: Xuất phát từ việc thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp do một đầu mối đảm nhận nên giảm thiểu được những rủi ro, bất cập hoặc khác biệt giữa thiết kế với thi công. Do nhà thầu thi công được tiếp cận với dự án ngay từ đầu nên giảm được thời gian nhà thầu làm quen với thiết kế, đề xuất điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với biện pháp thi công hoặc ngược lại đề xuất điều chỉnh biện pháp thi công cho phù hợp với thiết kế. Ngoài ra, tiến độ của dự án có thể được đấy nhanh trong trường hợp triển khai công tác thi công ngay cả khi thiết kế chưa hoàn thiện. Với việc hiện thực hóa các lợi thế này, nhà thầu EPC còn có thể giảm được chi phí thực hiện dự án.

Thứ ba: Đối với chủ đầu tư thì chi phí đối với gói thầu EPC có tiên lượng và kiểm soát hơn nhờ có một đầu mối thực hiện. Có một số hình thức hợp đồng có thể sử dụng như hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá. Trong nhiều trường hợp sử dụng vốn từ các tổ chức tín dụng, hợp đồng EPC được ký theo hình thức trọn gói. Điều này tạo thuận lợi cho chủ đầu tư cũng như tổ chức cho vay vốn trong việc kiểm soát chi phí dự án ngay từ khi bắt đầu triển khai gói thầu EPC. 

Về bất lợi

Thứ nhất:  Yếu tố quyết định thành công hay hiệu quả của dự án phụ thuộc hoàn toàn vào trình độ của nhà thầu EPC. Việc triển khai EPC ở Việt Nam trong thời gian gần đây cho thấy thế bất lợi đang có xu hướng lấn lướt. Ví dụ trường hợp nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng 1, do nhà thầu EPC chưa có kinh nghiệm dẫn đến tiến độ Nhà máy chậm hơn 3 năm so với kế hoạch. Một số công trình do nhà thầu EPC Trung Quốc đảm nhận cũng rơi vào tình trạng tương tự. Việc khắc phục bất lợi này nằm trong cơ chế lựa chọn nhà thầu EPC - vấn đề sẽ được bàn tới trong những bài viết sau.

Nhiều dự án chậm tiến độ do năng lực của nhà thầu
Nhiều dự án chậm tiến độ do năng lực của nhà thầu

Thứ hai: Chủ đầu tư tạo quyền tự chủ hơn cho chủ nhà thầu dẫn đến những rủi ro trong việc giảm quyền được giám sát của chủ đầu tư, do có một đầu mối chịu trách nhiệm toàn diện về các vấn đề của dự án/gói thầu. Điều này dẫn đến việc kiểm soát của chủ đầu tư cũng như tư vấn giám sát đối với chất lượng của từng khâu, từng việc bị hạn chế, trong khi chủ đầu tư vẫn là người chịu trách nhiệm cuối cùng đối với chất lượng và hiệu quả nói chung của công trình. Vấn đề này dẫn đến việc vật tư không đúng chủng loại yêu cầu và đã được chủ đầu tư và tư vấn giám sát phát hiện nhưng nhà thầu EPC vẫn đưa vào sử dụng cho công trình. Điểm bất lợi này trên lý thuyết sẽ được khắc phục một phần với quy định của Nghị định 48/20101NĐ - CP khi từng công việc (thiết kế, hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu) phải nhận được sự đồng thuận của chủ đầu tư.

Thứ ba: Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nhà thầu EPC có xu hướng tiết kiệm chi phí nhằm tăng lợi nhuận. Một số trường hợp không quan tâm đến chất lượng tổng thể, có thể dẫn đến rủi ro công trình không đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng như yêu cầu của chủ đầu tư. Vấn đề ở chỗ quy định đối với các điều kiện, điều khoản ràng buộc trong hợp đồng và có sự kiểm soát, giám sát của chủ đầu tư tư vấn trong thực hiện hợp đồng. Nội dung này sẽ được bàn luận trong các bài viết tiếp theo.


Source: Internet

No comments:

Post a Comment